Shadow banking là gì? Mối đe dọa của hệ thống tài chính toàn cầu và thị trường crypto
Shadow banking là gì?
Bản thân khái niệm Shadow banking (ngân hàng ngầm, ngân hàng bóng tối) cũng mờ mịt như tên gọi của các định chế tài chính này.
Năm 2007, Paul McCulley, lãnh đạo tại quỹ đầu tư trái phiếu tên tuổi PIMCO, đã sử dụng khái niệm “shadow banking” để mô tả cấu trúc tài chính của các ngân hàng phương Tây trước khủng hoảng nhằm giữ các khoản nợ phức tạp đã được chứng khoán hóa ở bên ngoài bảng cân đối kế toán. Giờ đây các cấu trúc này đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Theo Ủy ban ổn định tài chính (Financial Stability Board – FSB), cơ quan quốc tế được thành lập với nhiệm vụ giám sát các định chế tài chính và ngăn chặn khủng hoảng, định nghĩa Shadow banking là tập hợp các định chế tài chính và thị trường thực hiện chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của các cơ quan chức năng.
Những tổ chức này thường được gọi là những công ty tài chính phi ngân hàng (NBFCs), có thể bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, hay các tổ chức cho vay với lãi suất “cắt cổ". Ngoài ra, các ngân hàng truyền thống cũng có thể thành lập SPVs, hay các công ty con, để thực hiện những hoạt động không được kiểm soát.
Theo Ủy ban châu Âu, Shadow banking không được cung cấp dịch vụ của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, không được ngân hàng trung ương đảm bảo thông qua các khoản vay tái cấp vốn, tái chiết khấu nhằm giảm thiểu rủi ro khi có vấn đề về thanh khoản như hệ thống ngân hàng thông thường. Trong lịch sử tài chính, mỗi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, hoạt động của các shadow banking lại bùng nổ.
Đặc trưng của Shadow banking
- Shadow banking đã vượt ra ngoài các quy định cơ bản vì tổ chức này không nhận tiền gửi truyền thống.
- Shadow banking nổi lên như những nhà cải cách trong thị trường tài chính. Bởi những tổ chức này có thể tài trợ cho các khoản vay bất động sản và các mục đích khác nhưng không phải đối mặt với sự giám sát và quản lí thông thường về dự trữ vốn cũng như thanh khoản.
- Shadow banking tạo ra shadow dollar, với tên gọi khác là eurodollar. "Euro" ở đây không liên quan đến châu Âu, và cũng không ám chỉ các đồng tiền do châu Âu phát hành. Thay vào đó, eurodollar được dùng để chỉ những khoản tiền gửi có kỳ hạn bằng USD tại các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ.
Do không thuộc thẩm quyền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, eurodollar không có bảo hiểm FDIC (The Federal Deposit Insurance Corporation - Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang). Những tổ chức nắm giữ eurodollar cũng không có sự hỗ trợ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nếu gặp vấn đề về thanh khoản hay bất cứ vấn đề nào khác.
- Shadow banking đã góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng 2007-2008 khi khởi tạo các khoản thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgages), đóng gói chúng thành các chứng khoán được thế chấp bảo đảm (mortgage-backed securities) và phân phối chúng trong toàn bộ hệ thống tài chính.
Nổi bật nhất là Lehman Brothers, một công ty môi giới và thương mại. Công ty này đã phát hành một lượng lớn các chứng khoán được thế chấp bảo đảm có giá trị gấp bốn lần vốn của chủ sở hữu công ty. Khi thị trường bất động sản sụp đổ, các chủ nhà vỡ nợ, những chứng khoán có được từ đây cũng sụp đổ theo. Lehman Brothers phá sản. Khoảng 10 triệu ngôi nhà đã bị tịch thu và tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi lên 10%.
Ảnh hưởng của shadow banking
Thị trường tài chính truyền thống
Thông thường, các hoạt động của tổ chức tài chính đều chịu sự ảnh hưởng của ngân hàng trung ương và các tổ chức chính phủ. Shadow banking thực hiện giao dịch theo những cách mà không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán thông thường, gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan chức năng, do đó khó bị kiểm soát.
Hoạt động của shadow banking khiến dòng tiền liên tục chảy ra khỏi ngân hàng trung ương và gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều thập kỷ.
Thị trường crypto
Trong quá khứ khái niệm “shadow banking" đã được nhắc đến khá nhiều trong thị trường crypto và stablecoin được xem là một dạng mới của shadow banking khi tồn tại trong điều kiện thiếu vắng các khuôn khổ pháp lý, quy định rõ ràng, đồng thời, không được các cơ quan chức năng kiểm soát.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng viên Dân chủ của Massachusetts, nhấn mạnh: “Tiền điện tử là một loại shadow banking mới”.
Đáng chú ý, ngân hàng của Tether (công ty phát hành stablecoin USDT) là Deltec Bank – một phần của mạng lưới Shadow banking. Được biết, Deltec có trụ sở ở Bahamas, khu vực tài phán nằm ngoài phạm vi quản lý của Mỹ và nắm giữ các khoản tiền gửi bằng USD từ Tether. Deltec Bank không được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hỗ trợ và USD mà họ nắm giữ không có bảo hiểm FDIC. Do đó, các khoản tiền gửi của Tether tại ngân hàng Deltec Bank được xem là eurodollar.
Việc USDT có thể được quy đổi thành USD với tỉ lệ 1:1 hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khoản dự trữ USD và khả năng thanh toán của ngân hàng Deltec Bank. Trong trường hợp họ không có đủ USD thực tế để trả cho tất cả những người muốn rút tiền thì tỷ giá hối đoái 1:1 sẽ bị phá vỡ, khi đó những người nắm giữ USDT sẽ không thể lấy lại toàn bộ số tiền của mình. (Tương tự như sự việc Reserve Primary MMF mất peg).
Bên cạnh đó, sự kiện phá sản của FTX gần đây rất giống với sự sụp đổ của Lehman Brothers vào những năm 2008. FTX hoạt động như một sàn giao dịch tiền điện tử, một nhà môi giới (brokerage), một nhà cho vay, đồng thời là chủ sở hữu của Alameda Research.
Năm 2022 cũng diễn ra nhiều hoạt động lừa đảo tài chính. Chẳng hạn như sự sụp đổ của stablecoin thuật toán Terra USD, sự phá sản của hai công ty cho vay Celsius và Voyager khiến 2 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường crypto. FTX có thể chính là giai đoạn “tăng tốc” của những xu hướng này.
Tuy nhiên, việc thị trường tiền điện tử đi xuống nhiều cũng không gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính truyền thống. Bởi thị trường tiền điện tử hiện được định giá 848 tỷ USD tại thời điểm viết bài - con số nhỏ trong nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, các khoản lỗ chủ yếu là các khoản đầu tư mang tính chất đầu cơ của các nhà đầu tư. Ngay cả khi vốn hóa thị trường tiền điện tử về 0, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ cũng sẽ không giảm nhiều ngoại trừ trong lĩnh vực công nghệ.
Ví dụ về Shadow Banking
Rất nhiều công ty nổi tiếng được coi là Shadow Banking. Bao gồm:
- Các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs hoặc Morgan Stanley
- Mortgage lenders (Cho vay thế chấp)
- Money market funds (Quỹ thị trường tiền tệ): Quỹ tương hỗ chỉ đầu tư vào các công cụ có tính thanh khoản cao như tiền mặt, chứng khoán tương đương tiền và chứng khoán nợ có xếp hạng tín dụng cao với thời gian đáo hạn ngắn.
- Insurance/re-insurance companies (Công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm)
Tình hình phát triển của Shadow Banking
Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, hoạt động rủi ro của các ngân hàng đã bị thắt chặt. Theo FSB, năm 2012, quy mô của Shadow Banking đã tăng lên 71.000 tỷ USD. Báo cáo của FSB cũng cho thấy Shadow Banking ngày càng phát triển ở 70% trong số các quốc gia tham gia khảo sát.
Tình hình nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Tháng 6/2013, nỗ lực hạn chế các sản phẩm quản lý tài sản của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng căng thẳng tiền mặt tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Giá trị của những khoản đầu tư này (vốn đem lại lãi suất cao trong ngắn hạn và không được đảm bảo) đã tăng lên mức 1.500 tỷ USD – gần bằng GDP của Australia.
Sự phát triển của Shadow Banking khiến người đứng đầu Ủy ban chứng khoán Trung Quốc nhận định rằng các sản phẩm nằm ngoài bảng cân đối kế toán là những sản phẩm theo mô hình Ponzi. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã phản đối chính sách thắt chặt của chính phủ bằng tình trạng căng thẳng tiền mặt.
Cuối tháng 12/2021, thị trường tài chính Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng, khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng vọt lên 8,8%. Trước tình trạng căng thẳng, chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các ngân hàng không được sử dụng vị thế trung gian để vượt quá giới hạn khoản vay dành cho những người đi vay rủi ro, đồng thời yêu cầu tách bạch các sản phẩm quản lý tài sản.
Tại sao các chính phủ không thẳng tay dẹp loạn?
Ở châu Âu và Mỹ, nỗi lo của các nhà quản lý được xoa dịu với những cuộc vận động hành lang của ngành tài chính. Còn ở các nền kinh tế đang phát triển, Shadow banking là nhân tố giúp nền kinh tế vận hành trơn tru.
Các doanh nghiệp nhỏ có được khoản vay mà họ cần, người tiết kiệm có được khoản lợi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát. Việc quốc gia xóa bỏ Shadow banking có thể là chính sách đúng đắn trong dài hạn, nhưng lại khiến tăng trưởng chậm lại và tạo ra rủi ro trong ngắn hạn.
Chính phủ các nước biết rằng Shadow banking là một mối nguy, nhưng tấn công vào khu vực này lại là một hành động khá liều lĩnh. Chính vì thế, nhiều tổ chức, bao gồm cả Ủy ban châu Âu, lập luận nên có quy định cho Shadow banking .
Vì sao Shadow banking bùng nổ?
Không ai có thể phủ nhận việc Shadow banking trở thành “ông ba bị” dọa nạt kinh tế toàn cầu. Hệ thống này đã phát triển nhanh chóng trên quy mô lớn, dưới những dạng thức khó nắm bắt. Nếu được sử dụng hiệu quả, chúng sẽ đem lại lợi ích. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý lơ là, chúng sẽ vỡ tung và kéo theo hậu quả khôn lường.
FSB thừa nhận hệ thống Shadow banking chiếm khoảng 1/4 giá trị giao dịch trong hệ thống tài chính toàn cầu với quy mô tài sản tăng từ 26.000 tỷ USD cách đây 1 thập kỷ lên 71.000 tỷ USD tính đến đầu năm 2013.
Ở một số nước, Shadow banking còn phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng năm 2012, Shadow banking ở Trung Quốc tăng vọt 42%.
Xã hội, công nghệ ngày càng phát triển, Shadow banking cũng “bành trướng” theo. Các dịch vụ tín dụng cũng dần trở thành Shadow banking. Đặc biệt, các ngân hàng chính thống đang chùn bước sau khi thua lỗ nặng trong khủng hoảng tài chính, đồng thời, bị kìm kẹp bởi quy định ngày càng siết chặt, yêu cầu về vốn tối thiểu bị nâng lên, tạo điều kiện cho các dịch vụ này sinh sôi nảy nở.
Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay, đóng cửa một số bộ phận không cần thiết. Ví dụ, ở Mỹ, các ngân hàng đầu tư không còn được phép tự doanh. Kể từ năm 2007, các ngân hàng Anh đã cắt giảm khoảng 30% tín dụng cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, Barclays khẳng định kế hoạch cắt giảm 14.000 nhân dự.
Kết luận
Hilary J. Allen, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Washington, nhận định: “DeFi được xem là Shadow Banking 2.0”. Bởi hệ sinh thái DeFi đã có sự phát triển mạnh mẽ trước khi chững lại do sự phá sản của nhiều tổ chức và quỹ đầu tư lớn như Terra, Celsius, Voyager và FTX.
Thế nhưng sự cải tiến chắc chắn vẫn đang diễn ra trong không gian DeFi. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới đang xem xét các cách để kiếm lợi nhuận trong hệ sinh thái DeFi. Do đó, DeFi có thể giúp mở rộng, thay vì phá vỡ, hoạt động của các ngân hàng lớn trên thế giới. Các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google và Meta cũng đã để mắt đến Web3 như một cơ hội kiếm lợi nhuận.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Ngân hàng Anh: DeFi có thể loại bỏ rủi ro tài chính nhưng hiện giờ chưa phải lúc
Ngân hàng “đổ bộ” vào Metaverse: Cục diện tài chính sẽ thay đổi như thế nào?