Ngân hàng “đổ bộ” vào Metaverse: Cục diện tài chính sẽ thay đổi như thế nào?
Trong bối cảnh đổi mới công nghệ cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế trải nghiệm, Metaverse đã tăng trưởng một cách mạnh mẽ.
Nhận thấy tiềm năng thu lợi lớn, các “ông lớn” thế giới đã vội vã gia nhập vào “cuộc đua” Metaverse. Các thương hiệu bán lẻ và giải trí từ Walmart, Nike đến Disney và Warner Music Group đều tham gia vào cơn sốt này.
Thương hiệu xa xỉ Gucci cũng mua đất trên cùng một nền tảng để phát triển không gian tổ chức "trải nghiệm sống động" và cung cấp các mặt hàng thời trang kỹ thuật số để mua, nhắm mục tiêu đến Thế hệ gen Z.
Riêng Sandbox đã xây dựng hơn 200 quan hệ đối tác với các công ty, thương hiệu và cá nhân bao gồm cả rapper Snoop Dogg, hãng đồ thể thao Adidas và hãng game Atari của Nhật Bản.
Không những thế, các công ty từ nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, kiến trúc, bất động sản, thậm chí cả lĩnh vực thuế và kế toán, cũng đang manh nha chiếm thị phần.
Cách các "gã khổng lồ" lấn sân sang Metaverse với tham vọng thống lĩnh
Vội vã "chen chân" chiếm thị phần trong Metaverse
Chỉ trong vài tháng đầu năm, ngành tài chính thế giới chứng kiến làn sóng đổ bộ vào Metaverse của hàng loạt “ông lớn” ngân hàng.
Kẻ tiên phong chính là JP Morgan – một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, “gã khổng lồ” tài chính Phố Wall đã mở một văn phòng giao dịch trong thế giới ảo dựa trên nền tảng blockchain Ethereum. Khi tham gia sử dụng các dịch vụ trên nền tảng này, khách hàng sẽ được chào đón bởi một chú hổ và hình đại diện của Giám đốc điều hành ngân hàng - Jamie Dimon.
Bên cạnh đó, tại phòng chờ Onyx Lounge ở Decentraland, mọi người có thể mua những mảnh đất ảo bằng NFT hoặc sử dụng tiền điện tử.
Phòng chờ Onyx Lounge của JP Morgan ở Decentraland
Tương tự, ngân hàng KB Kookmin, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất của Hàn Quốc, cũng đang thử nghiệm phát triển một chi nhánh trên Metaverse.
Bước tiến mạnh mẽ này của KB Kookmin sẽ cho phép khách hàng truy cập vào các dịch vụ ngân hàng trong Metaverse bằng cách đeo thiết bị thực tế ảo (VR). Ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ và giao dịch ngân hàng ảo, chẳng hạn như chuyển tiền có thể được quản lý bởi nhân viên ngân hàng; tư vấn trực tiếp giữa ảnh đại diện của khách hàng và nhân viên.
Ngoài ra, ngân hàng lớn nhất nước Anh là HSBC và Standard Chartered cũng tuyên bố hợp tác với The Sandbox và mua mảnh đất trong Metaverse này để mở chi nhánh.
“Ông lớn” ngành tài chính Đông Nam Á là DBS cũng đang chi hàng triệu USD để nghiên cứu các dịch vụ tài chính có thể đưa vào Metaverse.
Mới đây, Ngân hàng tiền điện tử Thụy Sĩ Sygnum cũng nối gót theo “đàn anh” của mình xây dựng trung tâm trong Metaverse.
Để không bị tụt hậu phía sau, một số ngân hàng ở Việt Nam đang lên kế hoạch bắt kịp làn sóng này. Mở đầu làn sóng ngân hàng dịch chuyển lên thế giới ảo là Ngân hàng Quốc tế (VIB). Nhà băng lựa chọn Metaverse của Bizverse World, cho phép người dùng mở thẻ không giới hạn, với hạn mức đến 200 triệu đồng chỉ trong vòng 15-30 phút.
Ứng dụng Metaverse trong hoạt động ngân hàng
Metaverse mở ra nhiều phương thức giao dịch tài chính, đầu tư nhanh chóng cho giới đầu tư toàn cầu.
Nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Trong Metaverse, khách hàng có thể đến bất kỳ ngân hàng nào mình muốn để giao dịch mà không có sự cản trở về mặt địa lý. Ngoài ra, các ngân hàng còn cung cấp tính năng trải nghiệm 24/24 giúp thân thiện hơn với người dùng. Đồng thời, với chế độ xem 360o, khách hàng không còn phải xếp hàng chờ đợi đến lượt.
Mặc dù không phải tất cả các ngân hàng đều có thể tham gia vào Metaverse, nhưng các tổ chức tài chính có thể kết hợp với nhau và chia sẻ tài nguyên.
Xây dựng lợi thế cạnh tranh
Khi các tổ chức tài chính bắt đầu gia nhập vào Metaverse, chúng có thể làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sẽ tương tác và giao dịch với ngân hàng. Do đó, Metaverse có thể là cơ hội cho các ngân hàng truyền thống cạnh tranh với các ngân hàng thách thức.
*Ngân hàng thách thức (challenger banks): Những ngân hàng hoạt động chủ yếu trên môi trường trực tuyến, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tài chính được thực hiện thông qua các trang web hoặc ứng dụng di động, cắt giảm các hoạt động bàn giấy và đơn giản hóa quy trình làm việc.
Với xu thế công nghệ ngày càng phát triển, nhiều người đang dành thời gian để khám phá và tận dụng các tiện ích mà Metaverse có thể mang lại. Từ đó, đưa ra quyết định mua hàng cũng như sử dụng dịch vụ trong không gian này.
Từ nhu cầu thực tế trên, các tổ chức tài chính cần phải thay đổi nhanh chóng để có thể bắt kịp cuộc chơi, đưa ra chiến lược phát triển mới, cung cấp các phương tiện cho các giao dịch này, chẳng hạn như cho phép chuyển đổi tiền pháp định thành tiền điện tử của Metaverse. Tổ chức nào chuyển đổi càng nhanh chóng sẽ càng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh.
Giáo dục và đào tạo
Metaverse cũng được chứng minh là một phương tiện tuyệt vời để đào tạo. Ngân hàng KB Kookmin có kế hoạch sử dụng chi nhánh ảo của mình để giáo dục những người trẻ tuổi về tài chính, cũng như đào tạo nhân viên.
Đối với mục đích đào tạo, ngân hàng có thể tạo ra khách hàng và các kịch bản, chẳng hạn như sử dụng Metaverse để dạy cho con cái của họ thói quen đầu tư tốt. Các ngân hàng có thể tạo tiền điện tử trên Metaverse, dạy trẻ hình thành thói quen tiết kiệm và hiểu rõ về các khoản vay… Điều này cũng sẽ giúp họ giữ chân và xây dựng lòng tin của khách hàng.
Mở ra cơ hội mới trong đầu tư NFT
Trong thời gian vừa qua, xu hướng giao dịch trong không gian thực tế ảo và đầu tư vào NFT đã gia tăng đáng kể. NFT có thể đóng vai trò là cầu nối giữa người dùng và Metaverse.Vì chúng cho phép người dùng nhận dạng trong quá trình trải nghiệm cộng đồng và xã hội. Đồng thời, giúp xác định quyền sở hữu các sản phẩm kỹ thuật số chỉ tồn tại trong không gian thực tế ảo.
Đối với ngân hàng, NFT có thể trở thành một loại tài sản. Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể phát triển các quỹ hỗ trợ của NFT với các khoản đầu tư có thể được định giá cao.
Các hình thức giao dịch mới
Ở giai đoạn này sẽ bùng nổ hình thức cho vay ngang hàng và mua bán trực tiếp giữa hai bên bằng cách sử dụng blockchain cũng như tiền điện tử.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, tài chính phi tập trung và Web 3.0 sẽ giúp phân cấp dữ liệu. Còn công nghệ cơ bản là blockchain sẽ cho phép các cá nhân có quyền đối với dữ liệu của riêng họ. Đồng thời, sự can thiệp của các bên trung gian vào giao dịch cũng dần biến mất. Điều này giúp chi phí giảm đáng kể.
Cục diện tài chính trong tương lai
Trước làn sóng mạnh mẽ này, chuyên gia tài chính cho biết, các ngân hàng hoàn toàn có thể hoạt động trong thế giới ảo vì Metaverse có dân số, GDP và tiền tệ riêng. Theo dự báo, thị trường Metaverse tiếp tục bùng nổ trong năm nay và ước đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Một trong những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế này là sự tham gia và hoạt động ngày càng tích cực của hệ thống ngân hàng thế giới. Ngoài ra, theo dự đoán của các chuyên gia, tài chính thế giới sẽ có một sự chuyển biến lớn trong tương lai.
Bên cạnh đó, gần 1/2 số triệu phú thuộc thế hệ Millennials nắm giữ ít nhất 25% tài sản của họ dưới hình thức bằng tiền mã hóa. Hơn 1/3 nhà đầu tư có một nửa tài sản là tiền điện tử và khoảng 1/2 nhà đầu tư có sở hữu NFT.
Hiện nay, các công ty tài chính đang cạnh tranh để phục vụ nhóm khách hàng mới, là những triệu phú trẻ có sự quan tâm và sở hữu nhiều tài sản số, hơn là các tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu...
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Lý do khiến các nhà đầu tư mạo hiểm “quay xe” ủng hộ NFT và Metaverse
Mark Zuckerberg chỉ trích Apple, đề xuất "Open Metaverse": Quan hệ Apple và Meta tiếp tục “dậy sóng”
Đám cưới độc lạ trên Metaverse: Chẳng cần tổ chức cầu kỳ hay đi đâu xa mà vẫn đầy đủ tiện nghi