Liquidity Pool là gì? Liquidity Pool hoạt động như thế nào?
Liquidity Pool là gì?
Liquidity Pool (tạm dịch là bể thanh khoản) là một tập hợp các khoản tiền được khóa trong một hợp đồng thông minh. Liquidity Pool được sử dụng để tạo điều kiện giao dịch giữa các tài sản trên một sàn giao dịch phi tập trung (DEX), các giao thức cho vay – đi vay (lending), Yield farming, Synthetic Assets,…
Tầm quan trọng của Liquidity Pool
Trước khi có Liquidity Pool, thanh khoản của thị trường Crypto chịu ảnh hưởng nhiều bởi các sàn giao dịch tập trung (CEX) và các Market Maker truyền thống. Khi đó, thanh khoản chỉ tập trung ở một số đồng coin/token top đầu như Bitcoin, Ethereum… Với các đồng tiền còn lại tình trạng thanh khoản thấp hoặc không có thanh khoản khiến việc giao dịch chúng rất khó khăn.
Liquidity Pool ra đời nhằm mục đích giải quyết vấn đề của thị trường kém thanh khoản bằng cách khuyến khích bản thân người dùng cung cấp thanh khoản bằng tiền mã hóa của mình và nhận lại phần thường là một phần phí giao dịch.
Ngoài ra, việc giao dịch với các giao thức Liquidity Pool như Uniswap, SushiSwap… không yêu cầu người mua và người bán phải khớp lệnh nhau như các sàn giao dịch tập trung sử dụng cơ chế order book. Người dùng có thể chỉ cần trao đổi token của mình và token trong pool thông qua các hợp đồng thông minh. Điều này khiến Liquidity Pool trở thành một giải pháp tuyệt vời cho bài toán thanh khoản trong thị trường Crypto. Từ đó, mở ra hàng loạt tính năng, ứng dụng mới cho thị trường này.
Liquidity Pool hoạt động như thế nào?
Ở dạng đơn giản nhất, một Liquidity Pool đơn lẻ sẽ chứa 2 token và mỗi pool thiết lập một thị trường mới cho cùng một cặp token. Một ví dụ điển hình về Liquidity Pool phổ biến trên Uniswap có thể kể đến chính là DAI-ETH.
Nhà cung cấp thanh khoản (liquidity provider) đầu tiên khi một pool mới được hình thành sẽ là người xác định giá trị ban đầu của tài sản trong pool. Khi người dùng cung cấp tính thanh khoản vào một Liquidity Pool, nhà cung cấp thanh khoản thường được nhận lại token LP token. Token LP sẽ đại diện cho cổ phần tài sản của họ trong Liquidity Pool chung đó và chúng cũng có thể được sử dụng trong toàn bộ hệ sinh thái DeFi với nhiều khả năng khác nhau.
Đối với các Liquidity Pool của công cụ tạo lập thị trường tự động (AMM), khi xảy ra giao dịch, một khoản phí giao dịch được giữ lại trong Liquidity Pool và được phân bổ theo tỷ lệ giữa những người nắm giữ LP token.
Ứng dụng thực tế của Liquidity Pool
Các Liquidity Pool đóng một vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái tài chính phi tập trung DeFi, đặc biệt là khi nói đến các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Chúng cung cấp thanh khoản, tốc độ và sự tiện lợi cần thiết cho hệ sinh thái DeFi.
Ngoài được áp dụng vào các sàn giao dịch phi tập trung AMM, Liquidity Pool còn có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Yield Farming
Liquidity Pool cung cấp môi trường cho các nền tảng tạo ra lợi nhuận tự động như Yearn Finance hoạt động. Người dùng có thể gửi token của mình vào các Liquidity Pool trên các nền tảng này sau đó nhận lãi suất tự động. Các nền tảng như Yearn Finance thậm chí còn tự động hóa lựa chọn rủi ro để phân bổ token của bạn sang các khoản đầu tư DeFi khác nhau để cung cấp thanh khoản và thu về lợi nhuận.
Lending/Borrowing
Một ứng dụng phổ biến khác của Liquidity Pool là được sử dụng trong các giao thức vay nợ (Lending và Debt). Người dùng nạp token của mình vào nền tảng làm tài sản thế chấp và có thể vay một loại tài sản khác để sử dụng cho mục đích của riêng mình. Phí vay, phí cho vay sẽ được xác định bởi cung và cầu của loại tài đó.
Phân phối token
Liquidity Pool cũng đưa ra một giải pháp hiệu quả để phân phối token mới cho đúng người trong các dự án tiền mã hóa khác nhau. Các token mới sau khi tạo sẽ được phân phối dựa theo phần của mỗi người dùng trong Liquidity Pool.
Quản trị
Các Liquidity Pool cũng có thể đóng vai trò là công cụ hữu ích trong quản trị. Các nhà phát triển có thể thông qua đó để tổ chức những cuộc bỏ phiếu để thiết lập một số đề xuất, định hướng phát triển cho dự án của mình.
Rủi ro của các Liquidity Pool
Giống như mọi thứ trong DeFi, Liquidity Pool cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh các rủi ro thông thường của DeFi như lỗi hợp đồng thông minh, khóa quản trị và rủi ro hệ thống (bugs). Liquidity Pool còn gặp phải thêm 2 rủi ro là Impermanent Loss và hack Liquidity Pool.
Nếu bạn cung cấp thanh khoản cho một AMM, bạn sẽ cần phải biết về một khái niệm gọi là Impermanent Loss (IL) hay lỗ tạm thời. Ngắn gọn thì đây là khoản lỗ tính bằng đô la của việc thêm thanh khoản cho một AMM so với việc chỉ lưu trữ đơn thuần.
Một điều khác cần lưu ý là rủi ro đến từ hợp đồng thông minh. Khi bạn gửi tiền vào một bể thanh khoản, tiền của bạn sẽ ở trong hợp đồng thông minh. Vì vậy, về mặt kỹ thuật không có người trung gian nào giữ tiền của bạn, hợp đồng có thể được coi là người giám sát các khoản tiền đó. Tuy nhiên nếu có một lỗi hoặc một số hình thức khai thác, tấn công hợp đồng thông qua vay nhanh, tiền của bạn có thể bị mất vĩnh viễn.
Ngoài ra, hãy cảnh giác với các dự án ẩn danh khi các đội ngũ phát triển có thể đột ngột thay đổi các quy tắc quản lý Liquidity Pool, truy cập đặc biệt vào mã hợp đồng thông minh, rút thanh khoản…
VIC Crypto tổng hợp
Xem thêm :
Oracle là gì? Các loại blockchain Oracle