7 mảnh ghép quan trọng trên thị trường DeFi
Sàn giao dịch phi tập trung (DEX)
DEX (Decentralized Exchanges) là các sàn giao dịch tiền mã hóa phi tập trung, cho phép nhà đầu tư trao đổi tiền điện tử ngang hàng trên mạng lưới blockchain với nhau mà không cần thông qua các bên trung gian và ẩn danh hoàn toàn.
Vì không cần chuyển tài sản lên sàn giao dịch tập trung trước khi thực hiện các giao dịch, DEX giúp làm giảm nguy cơ trộm cắp do hack sàn. DeFi cũng có thể ngăn chặn việc thao túng giá hoặc giả mạo khối lượng giao dịch thường xảy ra trên các sản CEX hiện nay.
Một số dự án nổi bật trong mảng này như Sushiswap (SUSHI), Uniswap (UNI), 1Inch, Balancer (BAL), Curve (CRV)...
DeFi là gì? Bật mí các cách để thu lợi nhuận từ DeFi
Thị trường phái sinh phi tập trung (Decentralized Derivatives)
Thị trường phái sinh là một mảnh đất màu mỡ trong thị trường tài chính và đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong hầu hết các ngách của thị trường tài chính.
Điểm mặt các thị trường phái sinh hiện nay.
Trong tài chính truyền thống, Derivative (phái sinh) là hợp đồng giao dịch tài chính giữa hai hoặc nhiều bên, dựa trên giá trị tương lai của một tài sản cơ sở nào đó. Lợi nhuận được tạo ra dựa vào chênh lệch và biến động giá của tài sản cơ sở đó.
Trong DeFi, Decentralized Derivatives là hình thức giao dịch phái sinh phi tập trung dựa trên giá trị của các tài sản tiền điện tử. Tức là các nhà đầu tư giao dịch với nhau dựa trên giá của tài sản tiền điện tử mà không cần phải trực tiếp sở hữu hoặc mua tài sản đó.
Như vậy, sự khác biệt giữa giao dịch phái sinh truyền thống và các công cụ phái sinh phi tập trung chính là tài sản cơ sở:
- Tài sản cơ sở của phái sinh truyền thống: Trái phiếu, cổ phiếu hoặc lãi suất.
- Tài sản cơ sở của phái sinh phi tập trung: Tài sản tiền điện tử.
Một số dự án nổi bật trong lĩnh vực này là dYdX, Perpetual Protocol…
Stablecoin
Stablecoin là loại tiền điện tử có tính chất ổn định, nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của biến động giá. Bởi giá trị của nó được gắn với một tài sản ổn định như tiền tệ fiat (USD), hàng hóa (vàng) hoặc một loại tiền điện tử khác.
Khác với các stablecoin quen thuộc trên thị trường tiền điện tử như USDT, USDC... DeFi Stablecoin lại yêu cầu người dùng thế chấp 1 lượng tài sản tiền điện tử để phát hành ra một lượng nhỏ hơn stablecoin.
Có 3 loại stablecoin phổ biến:
- Stablecoin tập trung được phát hành dựa trên tài sản thế chấp là các commodity tập trung như tiền Fiat, vàng: USDT, USDC, TUSD...
- Stablecoin phi tập trung được phát hành dựa vào sự thế chấp của các loại crypto (DeFi) khác. Nghĩa là, ể đúc các stablecoin này, người dùng phải thế chấp 1 lượng tài sản tiền điện tử lớn hơn giá trị của stablecoin đó. Ví dụ: DAI – người dùng phải thế chấp ETH để mượn DAI của MakerDAO.
- Stablecoin thuật toán phi tập trung sẽ dựa vào các thuật toán để duy trì giá trị ổn định, thay vì đặt cược vào bất kỳ tài sản nào khác. Ví dụ: UXD…
Một số dự án DeFi Stablecoin: MakerDAO, Just, Reserve, Kava, Venus...
Danh sách các stablecoin trên thị trường tiền điện tử.
DeFi Borrowing & Lending
Các nền tảng vay và cho vay phi tập trung đóng một vai trò quan trọng trong DeFi. Đặc biệt, nền tảng này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống tín dụng truyền thống. Chúng giúp giải quyết các giao dịch ngay tức thì, cho phép thế chấp tài sản kỹ thuật số, không cần kiểm tra tín dụng và khả năng tiêu chuẩn hóa trong tương lai.
Bên cạnh đó, thị trường cho vay trên blockchain giúp giảm rủi ro đối tác, việc vay – cho vay rẻ hơn, nhanh hơn và luôn có sẵn cho nhiều người.
2 đối tượng chính trong nền tảng này là:
- Người cho vay (Lender, depositor): Gửi tài sản nhàn rỗi vào các nền tảng Lending & Borrowing để cho người khác vay với tỉ lệ lãi suất nhất định. Sau 1 khoảng thời gian, họ sẽ nhận lại được vốn gốc và lãi suất như thoả thuận ban đầu.
- Người đi vay (Borower, loan taker): Vay tiền hoặc tài sản từ các Lender và sẵn sàng trả lãi cho số tiền đó.
Một số nền tảng Lending & Borrowing: Aave, Compound, Anchor Protocol, Abracadabra…
Khai thác thanh khoản (Liquidity Mining)
Khai thác thanh khoản (Liquidity Mining) là một một hình thức kiếm lợi nhuận trong đó những người tham gia vào giao thức DeFi sẽ đóng góp một phần tài sản của họ để đổi lại phần thưởng. Các phần thưởng này có thể là phí thực hiện giao dịch hoặc native token của dự án.
Đây cũng là một hình thức để các dự án khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng nền tảng của họ.
Bảo hiểm phi tập trung (DeFi Insurance)
Về bản chất, DeFi là phi tập trung và không bị kiểm soát bởi bất kỳ bên trung gian nào. Do đó, tài chính phi tập trung có nhiều rủi ro. Chính vì thế, bảo hiểm phi tập trung là một trong những hành trang không thể thiếu của các nhà đầu tư. DeFi Insurance giúp bảo vệ người dùng khỏi một số rủi ro tiềm ẩn trong các ứng dụng DeFi.
Bên cạnh đó, bảo hiểm trên blockchain có thể loại bỏ sự cần thiết của các bên trung gian và cho phép phân bổ rủi ro giữa nhiều người tham gia. Điều này có thể dẫn đến phí bảo hiểm thấp hơn với chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Trong bảo hiểm truyền thống, có 2 nhóm đối tượng:
- Người đi mua bảo hiểm
- Người bán bảo hiểm, đại lý, người phân tích rủi ro cũng như bồi thường cho người mua khi rủi ro xảy ra.
Trong DeFi, bảo hiểm phi tập trung có 3 nhóm đối tượng chính nhằm đảm bảo phân quyền và phi tập trung :
- Người mua bảo hiểm: Những người muốn được an toàn và tránh rủi ro khi sử dụng các sản phẩm liên quan đến DeFi.
- Người đánh giá rủi ro: Những người sử dụng tiền của chính họ để bảo vệ những người dùng khác. Khi người mua bỏ tiền mua bảo hiểm, số tiền này sẽ được chia cho những người đánh giá rủi ro.
- Người đánh giá yêu cầu bồi thường: Họ sẽ đảm nhận nhiệm vụ đánh giá, xem xét yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm có được chấp nhận hay không.
Các nhóm chủ thể này sẽ phối hợp với nhau và chia sẻ rủi ro trong toàn bộ hệ thống bảo hiểm phi tập trung.
Một số dự án nổi bật là Armor, Nexus Mutual, InsurAce…
Decentralized Oracle
Oracle là một hệ thống cung cấp dữ liệu và thông tin theo thời gian thực cho các blockchain và hợp đồng thông minh. Nhờ Oracle, blockchain và smart contract (on-chain) có thể tương tác với dữ liệu bên ngoài (off-chain).
Các dự án nổi bật trong mảng Oracle: Chainlink, Band Protocol, DIA…
Kết luận
Trong không gian DeFi, vẫn còn nhiều mảnh ghép khác. Tuy nhiên, những mảnh ghép được liệt kê bên trên là con “át chủ bài” không thể thiếu của DeFi, đồng thời đóng vai trò quan trọng thúc đẩy DeFi ngày càng phát triển.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Binance đẩy mạnh đầu tư vào DeFi
5 công cụ DeFi hỗ trợ đầu tư hàng đầu năm 2022 mà bạn cần biết
Nhìn về những cơ hội và thách thức của các công ty bảo hiểm DeFi trong thế giới Web3