Venture Capital - Tương lai đầu tư mạo hiểm trong thị trường Crypto
Venture Capital là gì?
Venture Capital (VC) là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên cung cấp vốn, đôi khi là vốn đầu tư và sự hỗ trợ chuyên môn cho các dự án khởi nghiệp hoặc các dự án nhỏ muốn mở rộng quy mô nhưng không có đủ tiềm lực về tài chính. Quỹ này thường đến từ các nhà đầu tư khá giả, ngân hàng đầu tư và bất kỳ tổ chức tài chính nào khác.
Ngoài ra, VC được hình thành dưới dạng quan hệ đối tác hạn chế (LP), nơi các đối tác tư nhân đầu tư vào VC. Các cá nhân giàu có, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ doanh nghiệp... có thể gộp tiền lại với nhau thành một quỹ do công ty VC kiểm soát. Tất cả các đối tác đều có quyền sở hữu một phần đối với quỹ, nhưng bản thân công ty VC mới là người kiểm soát nơi quỹ được đầu tư.
Hiện nay, các nhà đầu tư mạo hiểm thường tìm kiếm các dự án có đội ngũ quản lý mạnh, thị trường tiềm năng rộng lớn và sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo với lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Họ cũng tìm kiếm cơ hội trong những ngành mà họ quen thuộc và cơ hội sở hữu một tỷ lệ lớn trong dự án để họ có thể tác động đến hướng đi cũng như sự phát triển của ự án đó.
Trong thị trường tiền điện tử cũng vậy, mục tiêu của việc đầu tư này là để đổi lại một phần cổ phần trong dự án hoặc giành được quyền mua token sớm với định giá thấp và kỳ vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai.
Mặc dù có khá nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư rót vốn, nhưng tiềm năng thu được lợi nhuận trên mức trung bình là một phần thưởng hấp dẫn. Đối với các công ty mới hoặc liên doanh có lịch sử hoạt động hạn chế (dưới hai năm), vốn đầu tư mạo hiểm đang ngày càng trở thành một nguồn phổ biến - thậm chí là thiết yếu - để huy động tiền, đặc biệt nếu họ thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn, các khoản vay ngân hàng hoặc các công cụ nợ khác.
Ưu và nhược điểm của Ventrure Capital
Ưu điểm
- Cung cấp cho các công ty startup số vốn cần thiết để khởi động và phát triển.
- Không giống như các khoản vay ngân hàng, các công ty không cần dòng tiền hoặc tài sản để đảm bảo nguồn vốn VC.
- VC cũng có thể cung cấp các dịch vụ cố vấn và kết nối để giúp công ty mới phát triển.
Nhược điểm
- VC yêu cầu một phần lớn vốn chủ sở hữu của công ty.
- Các công ty chấp nhận đầu tư VC có thể mất quyền kiểm soát sáng tạo khi những nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận ngay lập tức.
- VC cũng có thể gây áp lực buộc một công ty phải rút khỏi khoản đầu tư của họ thay vì theo đuổi tăng trưởng dài hạn.
Thành phần trong quỹ đầu tư
Các vai trò trong quỹ bao gồm:
- Limited Partners (LP): Những người sẽ đưa tiền cho quỹ đi đầu tư.
- Managing Partners (General Partners - GP): Có tiếng nói lớn nhất trong quỹ, trực tiếp quản lý số tiền đó để đầu tư.
- Principals: Chỉ dưới quyền Managing Partners. đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho quỹ. Ở một số công ty, họ dẫn đầu nhóm thẩm định và thực hiện phân tích tài chính về các công ty có tiềm năng trong danh mục đầu tư.
- Venture Partners: Các quỹ lớn đôi khi sẽ thuê thêm Venture Parters (có cả full-time và part-time). Họ là những nhà đầu tư kỳ cựu hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó. Nhìn chung, có thể coi đây là Advisors của quỹ.
Tổng quan mô hình quỹ đầu tư: LP đang sử dụng dịch vụ mà GP cung cấp. Đó là dùng tiền của LP để đầu tư sinh lợi nhuận.
Các giai đoạn cấp vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm
Giai đoạn 0: Pre-seed
Giai đoạn Pre-seed là giai đoạn hình thành. Giai đoạn này thường không được đưa vào như một giai đoạn chính thức vì ở giai đoạn này, các thành viên trong team sẽ xác định xem liệu ý tưởng của người sáng lập có thể biến thành sản phẩm hay không. Nguồn vốn thường đến từ gia đình và bạn bè, và không liên quan đến vốn chủ sở hữu.
Giai đoạn 1: Seed capital
Giai đoạn này liên quan đến việc kiểm tra khả năng tồn tại của sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, công ty khởi nghiệp cũng có thể thuyết phục quỹ đầu tư mạo hiểm rằng sản phẩm của họ đáng để đầu tư, bằng các công cụ như quảng cáo và tài liệu tài chính. Điều đáng chú ý là các nhà đầu tư thiên thần vẫn có thể tham gia vào giai đoạn này.
Vòng gọi vốn Series A: Vốn khởi nghiệp
Đây là lúc vốn chủ sở hữu xuất hiện. Các công ty mới thành lập không cần đăng ký, vì vòng này được dành riêng cho các công ty tiền điện tử đang trong giai đoạn tăng trưởng. Họ có một sản phẩm đã được kiểm chứng và một cộng đồng lớn mạnh, với dòng tiền ổn định.
Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư phải chịu ít rủi ro hơn nhiều vì sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty đã được xác nhận. Hơn nữa, trọng tâm của doanh nghiệp là thu hút khách hàng cũng như tiếp thị và quảng cáo.
Vòng gọi vốn Series B: Giai đoạn đầu
Vòng tài trợ Series B dành riêng cho việc bán hàng và marketing. Vòng Series B sẽ chú trọng khả năng mở rộng quy mô của dự án. Các công ty lọt vào vòng này đang trong giai đoạn phát triển. Họ đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường hơn nữa. Tại thời điểm này, họ đã có một cơ sở người dùng khổng lồ.
Vòng gọi vốn Series C: Giai đoạn mở rộng
Vòng tài trợ VC chính thức cuối cùng là giai đoạn mở rộng. Ở giai đoạn này, một doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng sang các thị trường bổ sung và đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình. Các công ty đạt được nguồn vốn Series C đã được thành lập trong ngành của họ. Gây quỹ giúp họ tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới và giới thiệu hoạt động của họ ra thị trường quốc tế.
Mở rộng quy mô cũng xảy ra thông qua việc mua lại các doanh nghiệp khác. Ở giai đoạn này, rủi ro đầu tư thấp hơn, nhưng lợi nhuận tiềm năng cũng vậy.
Vòng gọi vốn bổ sung (tuỳ chọn): Giai đoạn Pre-IPO
Vòng gọi vốn này dành riêng cho các hoạt động như mua bán và sáp nhập, các phương pháp tiếp cận để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và cấp vốn để chuẩn bị cho IPO.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư bao nhiêu tiền vào thị trường Crypto trong năm 2021?
Theo số liệu từ Galaxy Digital, các VC đã đầu tư hơn 33 tỷ USD vào thị trường crypto và các Startup trong lĩnh vực blockchain. Riêng trong quý IV/2021, số tiền được các VC rót vào thị trường crypto đã lên đến con số hơn 10 tỷ USD.
Các loại phí trong quỹ đầu tư
Phí tổ chức quỹ và đảm bảo pháp lý
Khi GP tạo ra quỹ, họ cần tiền để xây dựng khung pháp lý cho quỹ. Ngoài ra, chi phí nộp hồ sơ để đăng ký quan hệ đối tác với LP có thể dao động từ 500 USD đến 2,000 USD.
Trong quy trình hoạt động, đôi khi họ cần phí trong các trường hợp sửa đổi tài liệu, đàm phán, hoặc liên quan đến việc pháp lý.
Phí quản lý quỹ
Đây là chi phí trả cho GP, xem như tiền thưởng cho họ điều hành, quản lý quỹ. Phí này sẽ dao động từ 2 – 2.5% tổng vốn cam kết, và trả theo năm trong suốt quá trình quỹ hoạt động.
Một cách tính khác không dựa trên tổng vốn, đó là theo từng thương vụ đầu tư. Với cách này, chi phí quản lý dựa trên số vốn được triển khai. Điều này sẽ thúc đẩy các quỹ đầu tư nhiều dự án hơn. Đây cũng là một trong các lý do khiến thị trường crypto trong lúc downtrend năm 2022 nhưng vẫn có nhiều thương vụ đầu tư diễn ra.
Lãi suất từ đầu tư
Đây chính là số tiền được tính theo lợi nhuận tạo ra từ GP. Thông thường, lãi suất này khoảng 20%. Tức là tổng số tiền quỹ trừ đi tiền vốn của LP, sau đó 20% thuộc về GP, 80% chia theo tỉ lệ góp của các LP.
Top các quỹ Venture Capital
Binance Labs
Binance Labs thuộc Binance - sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Binance Labs tận dụng Binance DEX để đầu tư vào các dự án tiền điện tử mới và danh mục đầu tư của họ bao gồm Terra, Moonbeam cùng nhiều dự án khác.
Alameda Research
Alameda Research là một quỹ đầu tư tiền điện tử được thành lập bởi người sáng lập sàn FTX - Sam Bankman-Fried và hiện do Sam Trabucco đứng đầu.
Alameda Research cũng có cổ phần trong hầu hết các blockchain và các dự án blockchain quan trọng, bao gồm Bitcoin, Ethereum, Binance, Solana, Uniswap và vô số dự án khác.
Coinbase Ventures
Coinbase Venture luôn nằm trong top tham gia huy động vốn khủng của thị trường.
Coinbase Ventures là nhánh đầu tư của Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng. Trong khi một số quỹ VC khác có đầu tư vào Coinbase, thì bản thân Coinbase Ventures cũng là nhà đầu tư vào các dự án như BlockFi, Compound, Starkware và nhiều dự án khác.
Polychain
Polychain là một VC tập trung vào các tài sản kỹ thuật số dựa trên blockchain. Các khoản đầu tư đáng chú ý nhất của họ là vào Acala, Celo và dYdX. Thông qua nhiều thương vụ đầu tư khác nhau, Polychain Capital có mối quan hệ mật thiết với nhiều quỹ lớn trong thị trường crypto như a16z, 3AC, Coinbase... và nhiều quỹ khác.
Multicoin Capital
Đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm có tên tuổi và lâu đời trong thị trường Crypto. Được thành lập vào tháng 5 năm 2017 với mục tiêu khám phá và phát triển những lĩnh vực còn mới nổi và chưa được công nhận trên thị trường.
Danh mục các dự án mà quỹ này tham gia đầu tư như: Arweave, Audius, Near, Mina, Solana…
Rủi ro của dự án khi lựa chọn Venture Capital
Nếu lựa chọn sai Venture Capital, các dự án sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Một số nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư ngắn hạn, khi nhận được token rồi họ sẽ xả bất chấp biểu đồ token như thế nào. Mà một khi biểu đồ đã bị xấu, cộng đồng khả năng cao cũng sẽ hoảng loạn mà bán theo.
Một trường hợp khác, đó là đã biết trước tin tức như Airdrop, sau đó quỹ cầm rất nhiều tiền vào thực hiện đúng quy trình để có được một số lượng lớn token, để rồi xả nhằm thu về lợi nhuận cao. Việc làm này không những không giúp ích cho dự án, mà còn làm nhiều holders chân chính cũng chịu nhiều thiệt thòi.
Kết luận
Năm 2022 được dự đoán là một năm khó khăn hơn đối với các công ty đầu tư mạo hiểm tiền điện tử. Nhưng với sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng, nguồn vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào ngành công nghiệp đang phát triển này trong những năm tới.
Tương tự quỹ truyền thống, quỹ trong tiền điện tử không chỉ thu về lợi nhuận, mà còn là nhân tố quan trọng để dự án phát triển. Nếu không có các quỹ, dự án sẽ không có tiền, không có kinh nghiệm, rất khó để có thể tồn tại trong môi trường thay đổi liên tục của lĩnh vực tiền điện tử.
Do đó, là một nhà đầu tư, việc hiểu về những người chơi chính trong thị trường tiền điện tử VC có thể tạo ra sự khác biệt trong danh mục đầu tư của bạn.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
“Ông trùm” quản lý tài sản Invesco ra mắt quỹ đầu tư Metaverse
BlackRock ra mắt quỹ ủy thác cho phép các tổ chức đầu tư tiếp xúc với Bitcoin
Metaverse ETF là gì? 10 quỹ Metaverse ETF tiềm năng trong năm 2022