Toan tính mới của Apple có thể gây thách thức đến ngành DeFi
Ngày 17/04, Apple vừa ra mắt tính năng Apple Card Savings giúp người dùng tại Mỹ gửi tiết kiệm với mức lãi suất ban đầu là 4,15% trong 1 năm. Tài khoản tiết kiệm này sẽ không có phí, không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và không yêu cầu số dư tối thiểu.
Cụ thể, trong ứng dụng Wallet trên iPhone, người dùng có thể nạp vào tài khoản tiết kiệm từ Daily Cash (phần hoàn tiền khi mua hàng hoá), Apple Cash (số dư trong thẻ) hoặc có thể nạp trực tiếp từ ngân hàng có liên kết.
Sau khi tài khoản được thiết lập, tất cả số dư Daily Cash nhận được từ thời điểm đó trở đi sẽ được tự động gửi vào tài khoản tiết kiệm và bắt đầu sinh lời. Nhưng nếu anh em không muốn Daily Cash tự động chạy thẳng vào tài khoản tiết kiệm thì có thể tuỳ chỉnh việc đó để nó được thêm vào số dư Apple Cash thay vì gửi vào tài khoản tiết kiệm.
Được biết, Apple đã hợp tác với Goldman Sachs để cung cấp những tính năng trên, với mục đích biến iPhone thành ví kỹ thuật số có thể liên kết với hệ sinh thái phần mềm đằng sau. Tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và được bảo vệ bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Số dư tối đa là 250.000 USD.
Hiện tại, Apple Card Savings chỉ hỗ trợ người dùng Mỹ trên 18 tuổi, đồng thời phải có iPhone chạy từ iOS 16.4 trở lên.
Theo các chuyên gia, đây được coi là một trong những bước tiến công nghệ lớn của nhà Táo khuyết trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bên cạnh chính sách cho phép khách hàng “mua ngay, trả sau” trên một số tài khoản nhất định. Bởi vì, tỷ suất phần trăm trung bình hàng năm (APY) trên các tài khoản tiết kiệm ở Mỹ chỉ là 0,35%. Do đó, mức 4,15% APY của Apple là con số khá cao.
Song, các giao thức DeFi nổi bật như Compound, Aave, Cream, Nexo và Notional cũng có mức APY cạnh tranh với Apple. Trên thực tế, giao thức DeFi mang lại lợi nhuận cho stablecoin như USDT, TUSD và USDC làm cho chúng có chức năng tương đương với việc giữ đô la Mỹ trong ví tiền điện tử của bạn.
Ngay cả khi lợi nhuận được tạo ra bởi các giao thức như vậy cực kỳ dễ biến động, thì tính trung bình, chúng vẫn cao hơn đáng kể so với tỷ giá ngân hàng tiêu chuẩn được cung cấp trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, DeFi tiếp tục mang lại lợi nhuận cao hơn Apple. Do đó, không có nhiều lo ngại về cuộc khủng hoảng hiện hữu. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp truyền thống đang tích cực thu hẹp khoảng trống trong lĩnh vực tài khoản tiết kiệm, DeFi có thể sớm phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong tương lai gần.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Nguồn vốn tiền điện tử của các VC hàng đầu đang chuyển hướng từ CeFi sang DeFi
Điểm mặt 5 dự án ZK Rollups nổi bật đầu 2023: Kỷ nguyên mới của DeFi
Cái kết của trend “Monday”: 20 “ông lớn” DeFi tuyên bố bắt tay với nhau
Euler Finance bị hack thiệt hại gần 200 triệu USD: 11 giao thức DeFi gặp nạn, token EUL “cắm đầu”