Bị liệt vào “Danh sách Xám”, Việt Nam nhanh chóng tăng cường đề ra các chính sách đối với tiền điện tử
Tháng 6/2023, Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) chính thức liệt Việt Nam vào “Danh sách Xám”. Trước động thái của FATF, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã lên tục nhấn mạnh các biện pháp để thoát khỏi danh sách này trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền vào tháng 10 vừa qua.
Danh sách Xám là gì?
“Danh sách Xám” (danh sách giám sát tăng cường của FATF) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các quốc gia bị đánh giá là yếu kém trong việc kiểm soát hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến tiền điện tử.
Để ra khỏi danh sách này, các quốc gia đó cần phải chứng minh được khả năng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống rửa tiền liên quan đến tài sản tiền điện tử.
*FATF (Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền) là cơ quan liên chính phủ được thành lập năm 1989, phụ trách nghiên cứu cách thức tài trợ khủng bố, rửa tiền.
Đáng chú ý, các quốc gia bị liệt vào danh sách Xám gặp khá nhiều bất lợi, cụ thể:
- GPD giảm 7.6%,
- FDI (dòng vốn đầu tư nước ngoài) giảm trung bình 3% GDP,
- Dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm 2.9% GDP,
- Dòng vốn đầu tư các kênh khác giảm 2.4% GPD,
Số liệu trên được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thống kê dựa trên những quốc gia đã và đang trong danh sách Xám của FATF. Do đó, nếu chính phủ không quyết liệt hơn với những hành động cụ thể và hiệu quả hơn trong thời gian tới, sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng của dòng vốn đầu tư dành cho Việt Nam.
Quyết liệt triển khai mọi biện pháp để ra khỏi Danh sách Xám trước 2025
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền hồi tháng 10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Quyết liệt triển khai mọi biện pháp để trong vòng 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám”.
Có thể thấy, trong một năm trở lại đây, tại các phiên họp chính phủ thường kỳ, chủ đề tiền điện tử liên tục được các lãnh đạo cân nhắc xem xét.
Tháng 8/2022, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà Nước đã nghiên cứu và dự thảo quy định về luật phòng chống rửa tiền. Đại biểu quốc hội cũng từng khẳng định, sàn giao dịch tiền điện tử là nơi rửa tiền nhiều nhất.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đưa ra cảnh báo về hoạt động giao dịch tiền điện tử
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa triển khai thực hiện quy định nào rõ ràng liên quan đến các giao dịch tiền điện tử. Dù chính phủ liên tục khẳng định Bitcoin không được phép sử dụng trong giao dịch và thanh toán.
Dự đoán về các thay đổi trong chính sách
Mới đây, Việt Nam được Chainalysis xếp thứ 2 về tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch crypto hằng năm. Cộng đồng đầu tư Bitcoin và Altcoin tại Việt Nam luôn sôi động bất kể thị trường downtrend.
Với phát biểu trên của Phó Thủ tướng, chúng ta có thể dự đoán một vài thay đổi trong chính sách đối với thị trường crypto ở Việt Nam trong hai năm tới:
- Một danh sách các định nghĩa sẽ được ban hành để triển khai văn bản luật. Trong đó, những từ ngữ trước đây vốn được sử dụng một cách tương đối như “tiền ảo”, “tiền mã hóa”, “giao dịch tiền ảo”, “sàn tiền ảo”… có thể được định nghĩa lại một cách rõ ràng.
- Cộng đồng đầu tư tiền ảo và các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung cần sẵn sàng tinh thần tuân thủ những quy định mới sắp triển khai thực tế trong năm 2024 và 2025. Những quy định này có thể bao gồm xác minh danh tính, quy mô giao dịch cần khai báo (tiền thuế và kiểm soát giao dịch trong hay ngoài nước).
- Vai trò của các cơ quan quản lý, các hiệp hội liên quan đến tài sản ảo (hoặc blockchain) có thể phát huy rõ nét hơn và có nhiều quyền lực kèm với trách nhiệm hơn trong hai năm tới.
Với sự quyết liệt của chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư cần sẵn sàng tuân thủ những quy định sắp ban hành để có thể đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
UBCKNN Việt Nam liên hệ với sàn Binance nhằm tham khảo về vấn đề tiền điện tử
Sự bùng nổ tiền điện tử ở Việt Nam: Dấu hiệu tăng trưởng giữa những thách thức kinh tế toàn cầu
Việt Nam có tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử hàng đầu thế giới, hơn 16,6 triệu người Việt nắm giữ crypto