Báo cáo đặc biệt: Giao dịch bí ẩn 22 nghìn tỷ USD cảnh báo tài chính của Binance là một “blackbox”
Nhà đầu tư nghi ngờ về Binance
Tuần qua, các nhà đầu tư vội vã rút tiền khỏi Binance do lo sợ về tình hình tài chính của sàn giao dịch.
Tâm lý quan ngại vốn bắt đầu từ ngày 12/12 khi Binance bị Bộ Tư pháp Mỹ để mắt. CEO Binance đã nhanh chóng lên tiếng đính chính và trấn an người dùng. Tuy nhiên, nỗi lo này chưa nguôi, “bão tố” lại ập đến khi Justin Sun gửi ròng 100 triệu USD vào Binance rồi lại âm thầm rút 50 triệu USD. Chưa dừng lại, nhân vật này tiếp tục rút 100 triệu BUSD - stablecoin của Binance - về ví riêng.
Đến ngày 13/12, khoảng 1,14 tỷ USD bị rút khỏi sàn, trong đó có 40.353 Bitcoin và 278.017 Ethereum. Bất chấp bão FUD, CZ vẫn khẳng định: "Mọi người có thể rút 100% tài sản của họ có trên Binance, chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì vào bất kỳ ngày nào".
Đặc biệt, cuối tuần qua, khoảng 6 tỷ USD vội vã “chia tay” Binance. Ngay sau đó, CZ lên tiếng trấn an: "FUD chỉ là tạm thời, niềm tin mới bền lâu". Thế rồi, thị trường lại nhiễu loạn khi Mazars Group - công ty kiểm toán được nhiều gã khổng lồ tiền điện tử sử dụng, thông báo tạm dừng tất cả công việc liên quan đến Binance và các khách hàng trong lĩnh vực tiền điện tử. Điều này giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp đang tìm cách củng cố niềm tin sau sự sụp đổ của FTX.
Đáng chú ý, các nhà phân tích phát hiện ra rằng, các giao dịch với tổng trị giá lên đến 22 nghìn tỷ USD trong năm nay có nhiều điểm bất thường. Khi được hỏi về các giao dịch này. Binance đã từ chối tiết lộ chi tiết.
Ngoài 22 nghìn tỷ USD giao dịch bí ẩn trong năm nay, Binance còn từ chối tiết lộ thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và dự trữ tiền mặt, địa điểm hoạt động của mình, cũng như của Binance.com, cho các nhà điều tra từ Reuters.
Nhiều lỗ hổng được tìm thấy
Hiện tại, sàn giao dịch vẫn kín tiếng về token BNB và tác động của đồng coin này đối với bảng cân đối kế toán.
Theo Binance, khách hàng có thể vay tiền để giao dịch ký quỹ và nhận các khoản vay được hỗ trợ bởi tài sản tiền điện tử của họ. Tuy nhiên, số lượng khoản vay, mức độ mà Binance phải đối mặt với rủi ro hoặc số tiền mà công ty đã dành để chi trả cho việc rút tiền lại không được công khai.
Nhận xét về nhiều khu vực pháp lý nơi Binance hoạt động, John Reed Stark, cựu giám đốc Văn phòng Thực thi Internet của SEC Hoa Kỳ tuyên bố: “Họ đang đánh bóng tên tuổi và bắt tay với cơ quan quản lý để tạo ra vẻ ngoài hợp pháp. Hoàn toàn không có sự minh bạch, không có bất kỳ xác nhận nào về tình hình tài chính.”
Ông tuyên bố thêm rằng, hoạt động của Binance còn bí ẩn hơn các giao dịch kinh doanh của FTX.
Không giống như đối thủ người Mỹ Coinbase, được niêm yết trên Nasdaq, Binance không bắt buộc phải công bố báo cáo tài chính chi tiết vì nó không phải là một công ty giao dịch công khai. Bởi công ty này thành lập mà không huy động vốn bên ngoài kể từ năm 2018.
Đặc biệt, tháng 2/2022 vừa qua, Binance đã mua 200 triệu USD cổ phần của Forbes. Mới đây sàn còn mua lại Voyager với giá hơn 1 tỷ USD, bất chấp những lời chỉ trích về sự minh bạch tài chính của Binance.
Bên cạnh đó, Andrew Thurman, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu Nansen, cũng đưa ra quan điểm: “Mặc dù sàn giao dịch đã công bố rằng họ nắm giữ 55 tỷ USD tiền gửi của khách hàng, nhưng lại không có bất kỳ thông tin cụ thể nào về tài chính hiện tại. Do đó, rất khó để xác định sức khỏe của sàn”.
Ngoài ra, Thurman còn nghi ngờ rằng: “Liệu BNB, native token của Binance, có thể đối mặt với số phận tương tự như FTT của sàn giao dịch phá sản FTX hay không?”
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Binance trúng thầu thu mua Voyager bất chấp FUD bao trùm