Từ đỉnh cao công nghệ tới hố sâu tẩy chay của Zoom
Cho đến thời điểm này khi ứng dụng họp trực tuyến Zoom Cloud Meetings đang dính vào vụ khủng hoảng vi phạm quyền riêng tư và lỗi bảo mật nghiêm trọng, cũng không ai có thể phủ nhận rằng nó đã tạo ra một sức hút đỉnh cao trong những ngày qua.
Sức hút đỉnh cao
Ít có ứng dụng họp trực tuyến nào cho sử dụng miễn phí nhưng lại “hào phóng” như Zoom: Cho phép mở cuộc họp miễn phí lên tới 100 người tham gia với 40 phút họp hình ảnh chất lượng HD. Ngoài ra, Zoom hoạt động khá ổn định, độ trễ thấp, ít bị chập chờn hay gián đoạn gây mất hứng thú hoặc cảm giác chờ đợi mệt mỏi…
Nhưng phải nói rằng, dịch COVID-19 với nhu cầu họp trực tuyến, làm việc tại nhà, dạy và học online đã giúp cho Zoom rất nhiều vì nhu cầu tăng thì Zoom được tìm đến nhiều. Zoom được tìm đến nhiều mà lại trang bị những tính năng “hào phóng” cho nên càng được người dùng sử dụng nhiều, từ các tổ chức, doanh nghiệp, trường học đến nhân viên văn phòng, học sinh.v.v…
Chính vì thế mà chỉ trong một quãng thời gian chỉ vài tháng trở lại đây, Zoom đã nhảy vọt vượt mức 100 triệu lượt tải trên chợ ứng dụng Google Play ở hạng mục “Ứng dụng miễn phí phổ biến nhất”, xếp vị trí số 1. Ở bên kho ứng dụng App Store của Apple, Zoom cũng chiếm vị trí số 1 tại Mỹ và nhiều khu vực, quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Hàng nghìn video cuộc họp Zoom bị rò rỉ
15.000 video cuộc họp từ Zoom bị phát tán trên mạng do người dùng không đổi tên file mặc định trước khi tải lên dịch vụ đám mây.
Cuối tuần qua, Washington Post phát hiện hàng nghìn video ghi lại các buổi trị liệu từ xa, cuộc họp báo cáo tài chính, lớp học trực tuyến... trên Zoom bị chia sẻ lên YouTube, Vimeo và các dịch vụ đám mây như Amazon Web Service (AWS). Các video đều tiết lộ rõ mặt và thông tin người tham gia. Trang này cho biết, việc người dùng không đổi tên mặc định, bỏ qua giới hạn và thiết lập mật khẩu khiến các video dễ dàng bị bên thứ ba xem và tải xuống.
Đại diện Zoom khẳng định máy chủ của họ không gặp sự cố. Nguyên nhân rò rỉ có thể do người dùng tự ghi lại và tải lên dịch vụ khác. "Zoom chỉ cho phép chủ phòng họp quay video và lưu trữ cục bộ hoặc trên đám mây. Nếu chủ phòng họp chọn chia sẻ bản ghi sang nền tảng khác, chúng tôi khuyên họ thận trọng và minh bạch với người tham gia, như cân nhắc xem cuộc họp có chứa thông tin nhạy cảm của người tham gia hay không", đại diện Zoom nói trên The Verge.
Zoom Cloud Meetings là dịch vụ hỗ trợ làm việc, học tập từ xa được nhiều trường học, công ty sử dụng để duy trì hoạt động trong thời gian cách ly vì Covid-19. Đại diện Zoom cho biết sẽ điều chỉnh để phần mềm hiển thị thông báo tới tất cả người tham gia khi cuộc họp được ghi lại. Công ty cũng đề xuất người dùng nên lưu trữ bản ghi lên máy chủ Zoom.
Zoom đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì phần mềm tồn tại các lỗ hổng và vi phạm quyền riêng tư khi chia sẻ dữ liệu cho Facebook. Tuần trước, công ty vá lỗi bảo mật trên phiên bản dành cho macOS, Windows và lỗi làm lộ hồ sơ LinkedIn của người dùng.
Eric Yuan, Giám đốc điều hành Zoom, đã xin lỗi và tuyên bố ngừng phát triển tính năng mới để khắc phục sự cố trong vòng 90 ngày. "Dù làm việc ngày đêm để hỗ trợ người dùng mới, Zoom vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng, cũng như của chúng tôi, về tính riêng tư và bảo mật", Yuan viết trên blog. "Chúng tôi xin lỗi về điều đó".
Nguồn: Lao Động, VnExpress
VIC.News
Disclaimer: Bài viết chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không được coi là lời khuyên đầu tư. Đầu tư Crypto là một hình thức đầu tư mạo hiểm và người tham gia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoản đầu tư của mình.
Follow us: Fanpage | Group FB | Group chat | Channel Analytics | Channel NFT Youtube