Lộ trình phát triển Ethereum: 3 cột mốc quan trọng sau bản nâng cấp Shapella
Tuần trước, Ethereum vừa triển khai thành công hard fork Shapella. Đây là một cột mốc quan trọng trong lộ trình của mạng. Tuy nhiên, đó chỉ là một bước hướng tới mở rộng hoàn toàn hệ sinh thái Ethereum.
Một số nâng cấp khác dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm nay và trong những năm tới. Các sự kiện này sẽ biến mạng hiện đang bị hạn chế thành một máy tính thế giới cực nhanh và nền kinh tế tiền điện tử phi tập trung.
Cộc mốc thứ nhất
Vừa qua, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin, tiết lộ hard fork quan trọng tiếp theo (dự kiến triển khai vào quý III hoặc quý IV/2023) sẽ đính kèm EIP-4844, được biết đến với tên gọi proto-danksharding. Nâng cấp này dự kiến sẽ loại bỏ quá trình "call-data", thay vào đó biến dữ liệu thành các "blob", giúp giảm thiểu chi phí lưu trữ trên mạng lưới khi có hoạt động lớn.
Vitalik cho rằng proto-danksharding có thể mang lại hiệu quả x10 lần cho quá trình mở rộng. Đây còn là lộ trình hỗ trợ cho việc triển khai sharding toàn phần. Nhà sáng lập Ethereum cũng vô cùng ấn tượng với những phát triển và nỗ lực từ các đội ngũ Layer-2, khi nhiều dự án zkEVM liên tục ra mắt, song song đó là sự phát triển từ Arbitrum hay Optimism.
Nói về sự ổn định trong dài hạn, Vitalik Buterin cho biết mạng lưới vẫn đang trong giai đoạn nâng cấp biến động và sẽ chỉ ổn định một khi lộ trình scaling hoàn thiện:
"Sau khi hard fork tiếp theo thành công và các giải pháp mở rộng hoàn thiện, chúng ta sẽ bước qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng chứng kiến bước phát triển mạnh mẽ nhất của Ethereum. Rất nhiều thứ sẽ cần phải hoàn tất, nhưng những cải thiện này cần phải được thực hiện cẩn trọng với tốc độ chậm hơn."
Cộc mốc thứ hai
Công nghệ xác thực phân tán (DVT) là cột mốc quan trọng khác trên lộ trình của Ethereum.
Được biết, sau khi hoàn tất quá trình Merge, mạng Ethereum đã thay đổi từ mô hình Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS), giúp giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ của hệ thống.
Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến mối đe dọa về sự tập trung của hệ thống. May mắn thay, công nghệ xác thực phân tán (DVT) đã xuất hiện để giải quyết những vấn đề liên quan đến tính phi tập trung của hệ thống.
DVT cho phép các validator hợp tác với nhau (cùng góp vốn, thực hiện nhiệm vụ...). Điều này làm tăng số lượng validator và hạn chế các lỗi tiềm ẩn. Đặc biệt, DVT không chỉ phân chia nhiệm vụ của validator trên nhiều máy, mà còn chia sẻ khóa riêng. Theo quy tắc của Ethereum, mỗi validator phải tạo hoặc ký các tin nhắn bằng khóa riêng của mình trên một máy tính. Tuy nhiên, DVT sử dụng sơ đồ tạo khóa phân tán và chia sẻ khóa riêng giữa nhiều node để loại bỏ khả năng lỗi duy nhất.
Hiện tại, Obol Labs đang nghiên cứu một giải pháp DVT dự kiến sẽ được triển khai trước năm 2024.
Cột mốc thứ ba
Cột mốc quan trọng thứ ba là phân tách người đề xuất-người xây dựng (Proposer-Builder Separation – PBS).
Hiện Ethereum đã thay đổi kế hoạch phát triển của mình sang một lộ trình tập trung vào Rollup. Với kế hoạch đó, Ethereum sẽ triển khai Danksharding (DS). Để triển khai DS, Ethereum cần hoàn thành Proposer-Builder Separation (PBS).
Điều này giúp giải quyết các vấn đề gây ra bởi các cuộc tấn công MEV (giá trị có thể trích xuất tối đa). PBS nhằm mục đích tạo ra một “sự phân công lao động giữa hai nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng khối: đề xuất khối và xây dựng nó”.
Việc nâng cấp này sẽ cắt giảm hoạt động MEV nhưng sẽ không được triển khai trong ít nhất hai năm nữa.
VIC Crypto tổng hợp
Tin tức liên quan:
Giá Ethereum bật tăng sau bản nâng cấp Shanghai, nhưng tương lai thì sao?
Điểm lại cuộc chiến 5 năm giữa các blue-chip tiền điện tử: Bitcoin và Ethereum